Ðộc đáo đội chiêng nữ Ê Ðê Bih

|

Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana (Ðác Lắc) nằm bên dòng sông Krông Ana (hay còn gọi là sông mẹ) hiền hòa, là nơi sinh sống bao đời nay của đồng bào Ê Ðê Bih. Ðây là buôn duy nhất ở tỉnh Ðác Lắc nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung, có đội chiêng nữ.

Đầu Xuân, chúng tôi tìm về Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana để nghe đội chiêng nữ của đồng bào Ê Ðê Bih diễn tấu cồng chiêng. Nằm ngay trung tâm thị trấn, bên dòng Krông Ana đầy ắp phù sa, cho nên cuộc sống của đồng bào nơi đây khá hơn nhiều buôn làng khác. Nhiều gia đình trong buôn đã xây dựng được nhà cửa kiên cố, khang trang, các trục đường chính trong buôn đã được rải nhựa sạch đẹp.

Ngay cả các già làng, người cao tuổi trong buôn cũng không nhớ buôn được thành lập từ khi nào. Chỉ biết rằng, lúc họ sinh ra, ở đây đã có buôn rồi và cứ thế bám vào dòng sông để sinh sống bằng việc đánh bắt tôm, cá, khai hoang đầm lầy sản xuất lúa nước trên cánh đồng nặng phù sa. Trong quá trình ấy, đồng bào Ê Ðê Bih ở Buôn Trấp vẫn gìn giữ và lưu truyền được nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình qua các màn diễn tấu cồng chiêng của Ðội chiêng nữ Ê Ðê Bih, mỗi khi trong buôn, làng có lễ hội hay gia đình nào có tin vui, buồn muốn thông báo cho cộng đồng, buôn làng biết. Bà H’Riu H’mốk, 65 tuổi, Ðội trưởng Ðội chiêng nữ cho biết: Dàn chiêng nữ có sáu chiếc và một chiếc trống. Trống có vai trò giữ nhịp cho toàn bộ dàn chiêng theo bài bản. Khi diễn tấu, chiêng Jhô có đặc thù riêng biệt, các nghệ nhân Ðội chiêng nữ Ê Ðê Bih thường di chuyển theo vòng tròn từ phải qua trái và dùng những bàn tay mềm mại nắm lại, gõ lên những núm chiêng tạo nên những cung bậc âm thanh trầm, bổng sâu lắng. Ai đã một lần được nghe đội chiêng nữ bên dòng sông Krông Ana diễn tấu sẽ khó quên. Cũng theo bà H’Riu H’mốk, nét khác biệt nữa của đội chiêng nữ ở đây là khi diễn tấu chiêng Jhô, các nghệ nhân mặc trang phục riêng. Chiếc váy ngắn hơn, cao ngang đầu gối với nhiều hoa văn sặc sỡ, trong đó màu đỏ là chủ đạo. Ðến nay trang phục truyền thống này vẫn được lưu giữ, càng làm cho Ðội chiêng nữ Ê Ðê Bih trở nên độc đáo và hấp dẫn hơn.

Ông Phạm Thái Ngọc, cán bộ Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Krông Ana, người đã hơn 20 năm gắn bó với vùng đất, con người và văn hóa của đồng bào các dân tộc ở huyện chia sẻ: Tôi đã đi nhiều nơi, thưởng thức nhiều đội chiêng của các dân tộc khác nhau trên vùng đất Tây Nguyên diễn tấu, nhưng cách diễn tấu cũng như âm thanh của đội chiêng nữ dân tộc Ê Ðê Bih ở Buôn Trấp hoàn toàn khác và độc đáo. Khác với tiếng chiêng ngân của các đội cồng chiêng nam thường dũng mãnh, trầm hùng, rộn ràng, khoáng đạt tựa như mây ngàn, gió núi, thác đổ trong mùa lễ hội, tiếng chiêng của Ðội chiêng nữ Buôn Trấp lại sâu lắng trong không gian bình dị và đời thường của một gia đình hoặc lễ hội của buôn làng đồng bào Ê Ðê Bih.

Theo nghiên cứu của Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân, phiên chế của bộ chiêng Jhô ở Buôn Trấp gồm sáu cái, được chia thành ba cặp và cứ hai cái có cùng một tên lần lượt là: Amí (mẹ), Ama (cha) và Anak (con) tương tự như một gia đình đầy đủ, đoàn tụ. Bộ chiêng này độc đáo ở chỗ, ít khi tham gia những dịp nghi lễ diễn ra trong cộng đồng, chỉ diễn tấu trong không gian gia đình.

Qua bao thăng trầm của lịch sử và thay đổi trong cuộc sống của cộng đồng, buôn làng, đến nay những phụ nữ Ê Ðê Bih vẫn còn lưu giữ được những bài chiêng cổ như bài "Drôk katuôi" trong lễ đón khách, bài "Wăk wei" trong lễ mừng lúa mới và "Hahớh" trong lễ cúng sức khỏe… Các bài chiêng này được đội chiêng nữ biểu diễn ở trong nước và nhiều nước trên thế giới, được khách quốc tế đánh giá cao. Trong căn nhà tình nghĩa ấm cúng, bà H’Riu H’mốk bộc bạch: Ðể tiếp tục lưu giữ và trao truyền những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mình, trong những năm qua, bà và các nghệ nhân trong đội chiêng đã mở bốn lớp truyền dạy diễn tấu chiêng Jhô cho trẻ em gái trong buôn. Ðến nay, các cô gái trẻ có thể đảm đương những vị trí trong dàn chiêng khi ai đó vắng mặt và đã tham gia diễn tấu, biểu diễn ở nhiều nơi.

Trước nguy cơ mai một nét văn hóa truyền thống độc đáo, đồng bào nơi đây và những người làm văn hóa ở huyện Krông Ana nói riêng, tỉnh Ðác Lắc nói chung luôn lo lắng, trăn trở tìm cách để giữ gìn, lưu truyền đội chiêng nữ độc đáo này. Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Krông Ana Vũ Thị Thành Huế trăn trở: Ðến nay, chỉ ở Buôn Trấp mới còn đội chiêng nữ người dân tộc Ê Ðê Bih. Vì vậy, để bảo tồn và lưu truyền đội chiêng nữ ở đây, các cấp, các ngành trong tỉnh cần có đề án nghiên cứu, đánh giá để bảo tồn, đồng thời, cần một khoản kinh phí để hỗ trợ các nghệ nhân của đội chiêng giữ gìn và truyền dạy lại cho thế hệ trẻ trong buôn.