Chương trình “Một triệu tấn xi-măng” ở Ðồng Văn

|

Chương trình “Một triệu tấn xi-măng” đầu tư hạ tầng nông thôn được tỉnh Hà Giang thực hiện từ năm 2017. Trong khi ở nhiều địa phương, việc triển khai còn chậm, chất lượng công trình chưa đạt yêu cầu, thì tại huyện Ðồng Văn, nơi có địa hình phức tạp, cuộc sống người dân khó khăn lại triển khai tốt.

Dưới ánh nắng như đổ lửa giữa trưa hè tháng 5, không khí làm đường diễn ra sôi nổi, người dân đồng thuận góp tiền, nhiệt tình góp sức để phấn đấu hoàn thành nhiều tuyến đường bê-tông về bản. Trên tuyến đường vào thôn Phìn Sả, xã Sính Lủng, huyện Ðồng Văn vang lên tiếng máy trộn bê-tông, tiếng máy lu nền đường, tiếng cười nói của dân bản. Anh Lầu Súa Già, Tổ trưởng thi công tuyến đường bê-tông vào Phìn Sả, chỉ huy hơn 15 “công nhân” là người địa phương cho biết: “Ðược người dân trong thôn tín nhiệm, thuê tổ thợ chúng tôi làm đường, sau khi nhận xi-măng, được bàn giao nền đường là chúng tôi huy động nhân công làm liên tục để hoàn thành đúng tiến độ. Ðường hoàn thành sớm ngày nào, người dân đỡ khổ ngày đó”.

Thôn Phìn Sả, xã Sính Lủng có 44 hộ người Mông, khi chưa có đường bê-tông, việc đi lại, giao thương hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn. Thế nên, ngày thôn họp dân để thông báo về chương trình hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn theo chương trình “Một triệu tấn xi-măng” của tỉnh, cả thôn vui mừng ủng hộ. “Tỉnh chỉ hỗ trợ xi-măng để làm 1,3 km đường, nhưng bà con trong thôn tự nguyện góp thêm tiền để làm tuyến đường dài 1,7 km vào tận trung tâm các xóm. Khi tuyến đường hoàn thành, trẻ nhỏ đi học không lo ngã, hàng nông sản tiêu thụ thuận lợi hơn”, Trưởng thôn Phìn Sả Giàng Sính Dế nói.

Có mặt tại “công trường” làm đường bê-tông vào thôn Phìn Sả, Bí thư Ðảng ủy xã Sính Lủng Trần Ðăng Khóa cho biết, việc làm đường bê-tông là do các thôn tự đăng ký, tự bàn, tự làm. Ngành chức năng của huyện và xã đứng ra hướng dẫn kỹ thuật, giám sát. Do phát huy dân chủ ở cơ sở, cho nên việc làm đường được người dân hưởng ứng, tiến độ thi công nhanh, chất lượng tốt. Ðến cuối tháng 6, xã sẽ hoàn thành 3,7 km đường bê-tông theo chương trình “Một triệu tấn xi-măng” của tỉnh.

Thực hiện chương trình “Một triệu tấn xi-măng”, huyện Ðồng Văn đăng ký thực hiện cứng hóa đường giao thông nông thôn với chiều dài hơn 100 km, giai đoạn 2017 - 2020. Theo Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Ðồng Văn Nguyễn Văn Thơ, Ðồng Văn là huyện nghèo, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, để huy động sức dân làm đường giao thông nông thôn, huyện tính toán giải pháp thực hiện phù hợp. Quan điểm của huyện là không làm ồ ạt, không ép kế hoạch mà giao cho các xã, thị trấn tổ chức cho các thôn họp dân, thông báo rõ chương trình “Một triệu tấn xi-măng” của tỉnh chỉ hỗ trợ 70% giá trị tuyến đường, còn lại 30% người dân đóng góp. Thôn nào đồng thuận, huy động được sức dân góp tiền, góp công mới đưa vào kế hoạch thực hiện. Bên cạnh đó, để giảm chi phí đầu tư, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện hỗ trợ các xã lập hồ sơ, thiết kế kỹ thuật, phê duyệt hồ sơ. Người dân tại các thôn họp bàn, tự chọn giải pháp thi công phù hợp với thực tế. Các xã, thị trấn có trách nhiệm cử cán bộ giám sát thường xuyên, nếu đường làm chất lượng kém, phải chỉ đạo điều chỉnh ngay, không để tuyến đường hoàn thành mới kiểm tra, sửa sai, gây lãng phí.

Với cách làm nêu trên, việc triển khai làm đường bê-tông theo chương trình “Một triệu tấn xi-măng” ở huyện vùng cao Ðồng Văn nhận được sự đồng thuận của người dân. Ðối với những thôn không có điều kiện về kinh tế, người dân góp công nhiều hơn để mở nền đường, khai thác vật liệu xây dựng, tự thuê máy đổ bê-tông nền đường; những thôn có điều kiện về kinh tế thì thống nhất nộp tiền để thuê tổ thợ về làm. Trong quá trình làm đường sẽ phân theo tổ, làm từng đoạn theo hình thức cuốn chiếu, bảo đảm sự đồng thuận, công bằng, minh bạch. Bí thư Chi bộ thôn Sính Lủng, (xã Sính Lủng) Thào Mí Phứ cho biết: “Thôn vừa hoàn thành tuyến đường gần một cây số vào trung tâm. Ðể hoàn thành tuyến đường này, người dân trong thôn không chỉ góp công, góp tiền mà phải chắt chiu, hứng từng can nước cho tổ thợ trộn bê-tông đổ nền đường. Vất vả, khó khăn là vậy, nhưng hộ nào cũng vui vì tuyến đường hoàn thành sớm, đạt chất lượng và thuận tiện cho việc đi lại của người dân...”.

Từ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành cùng sự đồng thuận của người dân, huyện Ðồng Văn đã làm được hơn 20 km đường bê-tông nông thôn, người dân đóng góp hàng nghìn ngày công lao động và gần ba tỷ đồng. Hiện nay, các xã, thị trấn đang tập trung làm đường theo kế hoạch năm 2018, huyện phấn đấu đến cuối năm sẽ làm được 63 km và có 10 trong số 17 xã, thị trấn hoàn thành mục tiêu làm đường theo chương trình “Một triệu tấn xi-măng”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ðồng Văn Dinh Chí Thành cho biết: “Ðối với huyện nghèo, để huy động được sức dân mở đường bê-tông về bản thì yếu tố quan trọng nhất là phát huy dân chủ ở cơ sở, mọi việc phải do dân đề xuất, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Các ngành chức năng của huyện, xã giúp người dân thiết kế, giám sát để giảm chi phí đầu tư, bảo đảm công trình đạt chất lượng”.

Chương trình “Một triệu tấn xi-măng” có sức lan tỏa, tạo thành phong trào thi đua ở vùng cao Ðồng Văn. Tại nhiều thôn, bản, dù không nằm trong chương trình hỗ trợ, người dân vẫn góp công, góp tiền mở đường. Ðáng biểu dương nhất là xóm Sính Tủng Chứ, xã Thài Phìn Tủng đã tự bàn bạc, lên kế hoạch, thống nhất góp tiền làm đường. 18 hộ dân trong xóm đã tự nguyện đóng góp 379 triệu đồng để thuê máy ủi, đánh đá mở mới tuyến đường nối từ quốc lộ 4C vào trung tâm xóm với chiều dài gần hai cây số, chiều rộng mặt đường 3,5 m, tạo thuận lợi đi lại và giao thương hàng hóa giữa các vùng.

Theo chương trình “Một triệu tấn xi-măng” đầu tư hạ tầng nông thôn, giai đoạn 2017 – 2020, tỉnh Hà Giang sử dụng gần 759 nghìn tấn xi-măng để làm đường bê-tông theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Mục tiêu là đến năm 2020, tỉnh có ít nhất 25% số xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông trong bộ tiêu chí nông thôn mới. Sau hơn một năm triển khai, các xã trong tỉnh đã làm được gần 500 km đường bê-tông nông thôn.