Bất cập trong quy hoạch
Ðiều đầu tiên mà chúng tôi nhìn thấy khi đặt chân đến thôn Khe Lánh 2, xã Quảng Ðức, huyện Hải Hà là hình ảnh những ngôi nhà cấp 4 nằm sát nhau trong tình trạng bỏ trống, xuống cấp, mái nhà sập, hư hỏng nặng. Thậm chí nhiều ngôi nhà đã trở thành chuồng nhốt trâu, bò của một số hộ dân trong bản. Trò chuyện với chúng tôi, anh Lỷ Phu Văn cho biết: "Gia đình tôi cùng ba hộ gia đình khác chuyển từ thôn 3, xã Quảng Thịnh sang đây từ năm 2009 theo chương trình di dân của huyện. Khi đó, cả khu này có 10 hộ dân, nhưng đến nay chỉ còn vợ chồng tôi và một gia đình khác ở lại". Cũng theo anh Văn toàn bộ các hộ dân khi chuyển đến đây đều được Nhà nước hỗ trợ cho một ngôi nhà cấp 4, nhưng không có công trình phụ, không bếp nấu ăn... Mỗi hộ được hỗ trợ 2 ha đất trồng rừng, trồng chè và rau nhưng nước sinh hoạt vẫn phải dùng nước suối, không bảo đảm vệ sinh, còn nước cho sản xuất thì chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết. Khó khăn lớn nhất hiện nay là khu tái định cư này chưa có điện lưới phục vụ sinh hoạt và phát triển kinh tế của người dân trong bản. Ðể có điện sinh hoạt, gia đình anh Văn và một hộ nữa góp được hơn 7 triệu đồng kéo nhờ điện từ các hộ dân ở đầu bản về để sử dụng. Ðiều kiện ăn ở tạm bợ, sản xuất không ổn định, cho nên chưa có hộ nào đăng ký hộ khẩu tại địa phương. Ðến thời điểm này, hầu hết các hộ dân trong khu tái định cư đã bỏ về sinh sống ở xã Quảng Thịnh và không trở lại.
Trong căn nhà cấp 4 chật hẹp của vợ chồng anh Trưởng Quay Sàu chỉ có một chiếc bàn gỗ ọp ẹp, mấy chiếc ghế nhựa, xoong, nồi cùng một chiếc giường được đóng bằng mấy tấm ván gỗ keo, chồng chất những chăn màn, quần áo. Dõi ánh mắt về phía những ngôi nhà hoang, cái bể khô không giọt nước, anh Sàu ái ngại nói với chúng tôi: "Cả dãy nhà do Nhà nước xây, giờ hoang tàn hết cả. Cái còn mái ngói thì nay đã trở thành chuồng nhốt trâu, bò. Bể chứa nước thì chẳng bao giờ có nước. Người dân chúng tôi phải xuống suối gánh nước về ăn nhưng không bảo đảm vệ sinh. Khổ nhất là trẻ con đến tuổi đi học phải ra tận trung tâm xã, cách nhà gần 10 km".
Là một trong ba thôn, bản tái định cư nằm trong chương trình di dân của huyện Hải Hà, nhưng giờ đây thôn Tân Ðức cũng tiêu điều không khác gì thôn Khe Lánh 2. Từ đầu đến cuối thôn là những ngôi nhà hoang xập xệ nằm trong những lùm cây, cỏ dại um tùm. Anh Vũ Chí Quang, một trong số ít ỏi những hộ di dân từ Ba Vì (Hà Nội) đến Tân Ðức từ năm 2005 cho biết: Hiện nay, thôn Tân Ðức chỉ còn lại 23 hộ dân trong tổng số 55 hộ dân ngày mới thành lập. Khó khăn về điều kiện sản xuất, cộng với nước sinh hoạt không có, cho nên các hộ dân sau khi đã hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì bỏ về nơi ở cũ, không quay lại bản. Trước đây, các hộ dân trong bản dùng nước dẫn từ trên núi về bể do Nhà nước xây, nhưng vì bụi từ việc khai thác đá cộng với đường ống dẫn nước bị tắc vì han gỉ, cho nên đến nay chỉ còn năm hộ dân trong thôn dùng nước từ nguồn này…
Ðược biết, từ năm 2005 đến 2009, thực hiện các chương trình di, dãn dân, đã có 55 hộ dân từ Ba Vì, Hà Tây cũ (nay là Hà Nội), từ thôn 3, xã Quảng Thịnh và từ trung tâm xã Quảng Ðức đến thành lập ra thôn Tân Ðức; 30 hộ dân từ trung tâm xã Quảng Ðức và thôn 3, xã Quảng Thịnh vào sinh sống tại bản Khe Lánh 2; 30 hộ về bản Cống Mằn Thìn, nhưng đến nay đã có 63 hộ dân của ba thôn này trở về nơi ở cũ, không quay lại.
Sớm ổn định đời sống cho người dân
Tình trạng người dân bỏ đi, không ở lại khu tái định cư xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Trước hết, kết cấu hạ tầng ở các vùng định cư mới, nhất là trong các thôn, bản di, dãn dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn chưa được quan tâm triệt để, mới chỉ chú trọng ở những khu vực trung tâm. Việc rà soát, đánh giá thực trạng đất đai, khí hậu để xây dựng các thôn, bản còn nhiều bất cập, từ đó dẫn đến quy hoạch nhà dân nằm quá xa đường giao thông, xa khu vực canh tác nông, lâm nghiệp. Mặt khác, chính sách hỗ trợ cho việc di, dãn dân tuy đã được Trung ương và tỉnh quan tâm, nhiều lần thay đổi, bổ sung, song vẫn còn ở mức thấp, chưa giải quyết được khó khăn cơ bản của các hộ đến định cư làm nhà ở, vay vốn mở rộng sản xuất. Nhiều hộ dân muốn vay vốn làm ăn rất khó khăn do không có tài sản thế chấp. Cùng với đó, việc lựa chọn địa điểm để di dân đến nhiều khi còn bất cập, chưa tạo ra căn nhà ở phù hợp với đời sống văn hóa, phong tục, tín ngưỡng của người dân.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hà Hoàng Văn Thái cho biết: Huyện đã nhiều lần kiểm tra, rà soát lại thực trạng tại ba thôn nằm trong dự án di dân nói trên. Quan điểm của huyện là sẽ thu hồi tài sản, đất sản xuất của các hộ dân đã bỏ về, không ở lại vùng tái định cư trên cơ sở rà soát, kiểm tra lại và xin chủ trương, đề xuất của cấp trên. Ðể chương trình di, dãn dân thật sự hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân yên tâm gắn bó với nơi ở mới rất cần sự quan tâm, định hướng và có các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp để người dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Ðặc biệt, khi lựa chọn địa điểm để di dân cần khảo sát và có quy hoạch phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng của người dân.
Ðược biết, theo lộ trình đến năm 2019, xã Quảng Ðức sẽ thoát khỏi diện xã đặc biệt khó khăn nhưng nếu không sớm ổn định đời sống cho người dân ở các thôn, bản Tân Ðức, Khe Lánh 2 và Cống Mằn Thìn thì mục tiêu này khó có thể thực hiện.